Cá trắm cỏ thương phẩm là loại thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng rất được người tiêu dùng ưa thích. Chính vì vậy, loài cá này cũng là đối tượng được nhiều bà con nhắm đến để thực hiện mục tiêu “làm giàu” của mình. Nhưng, để vụ nuôi thành công mang đến năng suất cùng lợi nhuận cao, người nuôi cần phải nắm bắt rõ tập tính của loài cũng như những kỹ thuật cần thiết. Chính vì thế, trong bài viết này visinhthuysan.vn sẽ cùng bà con tìm hiểu các kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ năng suất cao đang rất phổ biến hiện nay. Mời bà con cùng theo dõi!

Tìm hiểu sơ lược về tập tính của cá trắm cỏ

chia-se-ky-thuat-nuoi-ca-tram-co-nang-suat-cao 3
Cá trắm cỏ.
 
Trắm cỏ là loài cá có khả năng thích ứng rộng với điều kiện sống trong tự nhiên. Chúng có thể sống trong khoảng nhiệt độ từ 13-32 độ C, nhưng theo các chuyên gia thì nhiệt độ lý tưởng nhất để nuôi cá trắm cỏ là từ 22-28 độ C và pH thích hợp là 5-6 cùng với ngưỡng oxy từ 3mg/L.
 
Thông thường, cá trắm cỏ có tập quán sinh sống chủ yếu ở tầng nước giữa và tầng đáy bởi đây là những khu vực có nhiều cỏ nước, đó cũng là nguồn thức ăn chính của loài cá này. Bên cạnh đó, cá còn ăn những loại thực vật khác như: cỏ thân mềm, các loại rong, bèo, thân cây chuối,… đó đều là những loại thức ăn có nhiều ở các vùng quê với chi phí tương đối thấp.
 
Cá trắm cỏ thay đổi thức ăn theo từng giai đoạn phát triển, chẳng hạn như ở giai đoạn còn nhỏ cá chủ yếu ăn các loại tảo và tạp chất hữu cơ có trong ao nuôi, khi cá phát triển đạt 8-10cm thì chuyển sang ăn các loại thực vật kể trên. Ngoài ra, trong quá trình nuôi bà con cũng cần bổ sung thêm cho cá các loại thức ăn tinh như: bột ngô, cám gạo, thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học kích thích tiêu hóa,… để các tăng trưởng nhanh và đẹp dáng.

Kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ năng suất cao

Có 2 vụ nuôi cá trắm chính trong năm: vụ Xuân từ tháng 2 đến tháng 3 và vụ Thu từ tháng 8 đến tháng 9. Cũng giống như nuôi những loài cá khác, khi bước vào vụ nuôi bà con cần tìm hiểu và nắm vững những kỹ thuật nuôi cá trắm để quá trình nuôi đạt hiệu quả cao. Dưới đây là một số kỹ thuật bà con cần nắm, như:

1) Chuẩn bị và cải tạo ao nuôi

Giai đoạn chuẩn bị và cải tạo ao nuôi luôn là khâu “vất vả” nhất trong mỗi vụ nuôi. Tuy nhiên, đây lại là một giai đoạn cần thiết và quan trọng quyết định thành công hay thất bại. Vì thế, sau khi kết thúc vụ nuôi trước cần tiến hành tháo cạn nước ao, nạo vét lớp bùn đáy, bón vôi (7-10kg/100m2) khử tạp bằng cách rải đều lên bề mặt và phơi đáy từ 2-3 ngày để diệt các loại các tạp và mầm bệnh tích tụ từ vụ nuôi trước. Bên cạnh đó, cần tu sửa bờ đê và dọn sạch cỏ. Nếu bà con mới nuôi cá trắm cỏ lần đầu tiên, cần tìm hiểu thêm về các điều kiện cần thiết khi xây dựng ao. Trong đó, diện tích ao nuôi thích hợp để nuôi cá trắm là từ 400-1000m2, ao nuôi phải quang đãng, đáy ao phải được sang phẳng và lớp bùn đáy tốt nhất chỉ nên từ 15-20cm mà thôi,…
 
Sau khi đã cải tạo ao xong, bà con tiến hành cấp nước vào ao để chuẩn bị thả cá. Nguồn nước được cấp vào phải sạch, không bị ô nhiễm bởi các nguồn chất thải từ nhà máy công nghiệp hay nước thải sinh hoạt, nước cấp vào ao phải được lọc qua đăng để loại bỏ cá tạp và cá dữ xâm nhập vào ao nuôi. Mực nước thích hợp để nuôi cá trắm là từ 1-1.2m. Trước khi thả cá từ 2-3 ngày, bà con dùng phân chuồng (20-30kg/100m2) bón lót vào ao để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá ở giai đoạn đầu.

2) Chọn giống và thả giống

chia-se-ky-thuat-nuoi-ca-tram-co-nang-suat-cao 2
Cá trắm cỏ giống.
 
Hiện nay nguồn giống cá trắm cỏ khá dồi dào, song, EcoClean khuyên bà con nên đến những cơ sở sản xuất giống có uy tín để cá không mang mầm bệnh nguy hiểm. Cá giống đạt tiêu chuẩn khi hội tụ những yếu tố như: cá phải khỏe mạnh, phản xạ nhanh với tiếng động, vay vảy hoàn chỉnh, không mất nhớ, cỡ cá đồng đều (10-15cm/con),…
 
Mật độ thả giống thích hợp là từ 2-3 con/m2. Sau khi mua cá về, bà con nên cho cá tắm trong nước muối pha loãng nồng độ 2-3% trong 5-10 phút. Trước khi thả bà con cần ngâm các dụng cụ chứa đựng cá xuống ao từ 5-10 phút để cá thích nghi dần với môi trường ao nuôi, sau đó từ từ mở nắp các dụng cụ ra và cho nước ao từ từ tràn vào để cá tự bơi ra. Nên thả cá vào buổi sáng (6-8 giờ) hoặc lúc chiều mát (16-18 giờ) để cá đạt tỉ lệ sống cao.

3) Cho cá trắm ăn và quản lý ao nuôi

- Thức ăn cho cá trắm: Như đã đề cập ở trên, thức ăn chủ yếu của cá trắm cỏ là: các loại cỏ, rong, bèo, lá chuối, lá sắn,… Ở giai đoạn mới thả, các loại thức ăn cần được cắt nhỏ vừa miệng cá để cá ăn dễ dàng, đến khi cá đạt trọng lượng từ 0.8kg/con trở lên thì có thể cho cá ăn trực tiếp mà không cần phải cắt nhỏ (tuy nhiên thân cây chuối vẫn phải cắt nhỏ).
 
Nên cho cá ăn đầy đủ thức ăn hàng ngày để cá phát triển tốt và tăng trưởng nhanh. Liều lượng thức ăn cho cá mỗi ngày được tính như sau:
+ Các loại cỏ, lá sắn, lá ngô tươi,… cho ăn từ 30-40% trọng lượng cá trong ao;
+ Các loại rong, bèo, cây chuối cho ăn khoảng 60% trọng lượng cá trong ao;
+ Các loại thức ăn tinh, thức ăn tự chế biến cho ăn khoảng 1.5-2% trọng lượng cá trong ao;
+ Các loại thức ăn công nghiệp cho ăn theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất;
- Quản lý ao nuôi: Thường xuyên theo dõi ao nuôi và phát hiện các vấn đề bất thường để kịp thời xử lý. Nếu quan sát vào lúc sáng sớm thấy cá có hiện tượng nổi đầu thì nên tạm dừng cho ăn và bơm thêm nước vào ao, sử dụng máy phun nước trong ao để tăng lượng oxy hòa tan trong ao.
 
Bên cạnh đó, định kỳ bón các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để bổ sung thêm các vi khuẩn có lợi cho đường ruột kích thích cá tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Bón vôi với liều lượng 2kg/100m2 bằng cách pha loãng với nước rồi té đều khắp áo để diệt tạp và vi khuẩn gây bệnh.
 
 
Như vậy, EcoClean vừa chia sẻ đến bà con một số kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ năng suất cao đang được rất nhiều bà con áp dụng và thành công. Hy vọng đây sẽ là những kiến thức cho bà con trong vụ nuôi tới. Chúc bà con vụ mùa bội thu!
 
Nguồn: EcoClean t/h.
 
 
Tìm theo từ khóa: kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ năng suất cao , nghề nuôi cá , cá trắm cỏ