Visinhthuysan.vn - Bào ngư là một loài hải sản quý hiếm và rất bổ dưỡng. Từ xa xưa, bào ngư đã được xem là một trong những món ăn chỉ xuất hiện trong các bữa tiệc xa xỉ. Bên cạnh vi cá mập và hải sâm, bào ngư chỉ dành để chế biến món ăn cho các bậc vua chúa và danh gia vọng tộc.

Sơ lược về bào ngư

ky-thuat-nuoi-bao-ngu-thuong-pham-dat-nang-suat-cao 1
Con bào ngư.
 
Bào ngư là con gì? Bào ngư là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, giá trị kinh tế lớn. Trong đó, giá trị kinh tế cao nhất là loại bào ngư chín lỗ (tên khoa học là: Haliotis diversicolor) bởi chúng không chỉ là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, mà còn là một vị thuốc tự nhiên vô cùng quý hiếm. Thịt bào ngư rất giòn ngon và bổ dưỡng (một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng bào ngư còn giúp kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư).
 
Bào ngư sống bám vào đá, nơi nước trong, có sóng và ở xa cửa sông, lúc nhỏ bào ngư bám gần bờ nhưng càng lớn chúng sẽ di chuyển ra xa và sâu hơn. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loài rong tảo biển, mùn bã hữu cơ. Những con bào ngư to thường sinh sống trong các tảng đá ngầm và ở sâu nên việc đánh bắt rất khó khăn. “Có người ví việc đánh bắt bào ngư cũng nguy hiểm như khi thu hoạch tổ chim yến vậy!”.

Tìm hiểu về kỹ thuật nuôi bào ngư thương phẩm

Ngày nay, nhận thấy được giá trị của bào ngư nên ngoài việc khai thác từ tự nhiên, bào ngư còn được bà con nuôi trồng rất hiệu quả.

1) Chọn con giống và thả nuôi

- Chọn con giống: Cũng giống như những loài hải sản khác, việc chọn bào ngư giống có chất lượng, khỏe mạnh, không dị hình, độ bám khỏe,… sẽ quyết định đến năng suất vụ nuôi. Vì thế, bà con chỉ nên mua con giống ở những trung tâm uy tín để con giống không bị mang mầm bệnh.
 
- Thả nuôi: Bà con có thể thả bào ngư giống quanh năm, tuy nhiên cần lưu ý là không nên thả giống vào thời điểm nắng nóng hay mưa bão, đồng thời khi vận chuyển con giống nên chọn lúc chiều mát hoặc buổi tối để tránh gây stress cho bào ngư. Nên thả giống vào lúc chiều tối muộn khi thời tiết mát mẻ với mật độ 5-10 con/m2.
 
- Điều kiện thích hợp thả nuôi: bào ngư là loài hải sản nước mặn nên nguồn nước phù hợp để nuôi bào ngư phải có độ mặn cao và ổn định trong khoảng 29-32‰, nhiệt độ thích hợp từ 18-30 độ C, pH từ 7.5 - 8.5, oxy hòa tan >5mg/l,…

2) Mô hình nuôi bào ngư thương phẩm

ky-thuat-nuoi-bao-ngu-thuong-pham-dat-nang-suat-cao 3
Các lồng nuôi bào ngư.
 
Có 3 mô hình nuôi bào ngư phổ biến nhất hiện nay là: nuôi lồng trong bể xi măng, nuôi lồng treo ngoài biển, nuôi thả đáy trên bãi đã (hoặc rạn san hô) dọc bờ biển.
 
a) Mô hình nuôi bào ngư trong lồng bể xi măng:
 
Các bể xi măng để nuôi bào ngư thường có hình chữ nhật và có mái che nắng, có một hộc nhỏ để lọc nước biển chảy tuần hoàn. Các chỉ số môi trường trong lồng nuôi bào ngư gồm: độ mặn (30-35‰), pH (7.6-7.8), Oxy hòa tan (>5ml), nhiệt độ (26-30 độ C). Sử dụng các lồng nhựa hình chữ nhật (kích thước: 50cm x 40cm x 30cm) để nuôi bào ngư bằng cách treo trong bể hoặc xếp chồng lên nhau cách đáy 20cm.
 
b) Mô hình nuôi bào ngư trong lồng treo ngoài biển:
 
Cũng sử dụng các lồng nhựa kích thước 50cm x 40cm x 30cm và treo trên bè nổi cách nhau 0.5m ở độ sâu 2-5m, các lồng nuôi bào ngư được đặt ở nơi kín gió và không có sóng lớn, nước luôn đạt độ mặn thích hợp từ 30-35‰. Các bè nổi được thiết kế giống bè nuôi tôm hoặc cá biển, được cố định bằng neo sắt, khi cần thiết có thể nhổ neo để di chuyển bè đến vị trí thích hợp khác. Bà con có thể nuôi kết hợp bằng cách bào ngư nuôi ở trên, tôm hùm (hoặc cá) nuôi ở dưới.
 
c) Mô hình nuôi bào ngư trên bãi đá/rạn san hô:
 
Nuôi bào ngư trên bãi đá hiện đang rất phổ biến, khu vực được chọn nuôi thường là những nơi có nền đáy là các phiến đá tảng xếp chồng lên nhau tạo thành các hang hốc cho bào ngư ẩn nấp. Bên cạnh đó, nguồn nước biển ở những nơi này phải lưu thông tốt và đạt những chỉ số môi trường thích hợp như: độ trong mực nước >1.5m, độ sâu mực nước nuôi từ 1-3m,… 

3) Chăm sóc và quản lý

Bào ngư là loài ưa sạch, nên nếu nuôi theo mô hình lồng treo thì trước khi cho chúng ăn bà con cần lấy hết thức ăn thừa ra khỏi lồng rồi mới cho thức ăn mới vào. Nguồn thức ăn của bào ngư chủ yếu là hỗn hợp rong biển (rong mơ, rong câu, rong đông,…).
 
+ Một điều khác biệt khi nuôi bào ngư là lượng thức ăn phải thừa không được thiếu, nếu thiếu thì lần cho ăn sau phải tăng lượng thức ăn lên, mỗi lần cho bào ngư ăn lượng thức ăn tương ứng từ 10-30% trọng lượng thân. Lượng thức ăn có thể thay đổi tùy theo nhiệt độ nước và mức độ sử dụng thức ăn của bào ngư.
 
+ Nếu sử dụng rong khô thì trước khi cho ăn phải ngâm rong trong nước biển từ 30-60 phút rồi mới cho ăn. Nếu thấy bào ngư bắt mồi kém thì cần kiểm tra lại chất lượng của thức ăn.
 
+ Nên kiểm tra lồng nuôi mỗi ngày để loại bỏ những địch hại có trong lồng như: cua, cồng,… Khi bào ngư chết phải vớt xác ra khỏi lồng ngay để tránh ảnh hưởng đến những các thể còn lại.
 
Bên cạnh việc cho ăn theo liều lượng thích hợp, trong suốt vụ nuôi bà con cũng cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như: độ mặn, nhiệt độ, màu nước,… để phát hiện kịp thời những sự cố bất thường và có hướng điều chỉnh hợp lý. Định kỳ kiểm tra tỉ lệ sống và sinh trưởng của bào ngư, nếu thấy bất ổn bà con nên di chuyển bè đến những địa điểm khác có môi trường thuận lợi hơn.

Khi nào thì thu hoạch bào ngư?

Thông thường, sau khi nuôi từ 24-30 tháng bào ngư đạt cỡ thương phẩm 40-50 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Nên thu tỉa những con bào ngư đạt kích cỡ, những con nhỏ hơn nên tiếp tục nuôi. Thu hoạch bào ngư lúc thủy triều xuống thấp nhất và thời tiết mát mẻ.
 
 
Như vậy, chúng tôi vừa chia sẻ đến bà con một số kỹ thuật để nuôi bào ngư thương phẩm đạt năng suất cao. Qua bài viết này, visinhthuysan.vn hy vọng bà con có thể thuận lợi hơn khi nuôi bào ngư. Chúc bà con vụ mùa bội thu!
 
Theo: Hoàng Ngân (TSVN) - EcoClean t/h.
 
Tìm theo từ khóa: kỹ thuật nuôi bào ngư thương phẩm đạt năng suất cao , nghề nuôi bào ngư