Từ lâu, tôm hùm còn được mệnh danh là “vua” của loài tôm không chỉ vì giá trị dinh dưỡng cao, mà giá trị kinh tế của loài tôm này cũng rất lớn. Tuy vậy, nghề nuôi tôm hùm của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra. Dưới đây là những bệnh phổ biến trên tôm hùm và cách điều trị.

1) Bệnh sữa

nhung-benh-pho-bien-tren-tom-hum-va-cach-dieu-tri 1
Bệnh sữa trên tôm. Ảnh minh họa.
 
Đây là một dịch bệnh rất nguy hiểm với tôm hùm, có thể gây chết rải rác hoặc chết hàng loạt chỉ sau 9-12 ngày khi nhiễm bệnh. Tác nhân gây bệnh được xác định là do nội kí sinh Rickettsia-like gây ra. Cả tôm hùm bông, tôm hùm đá và tôm hùm tre nuôi lồng đều có thể mắc bệnh này.
 
Khi nhiễm bệnh, tôm sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như: hoạt động kém, ít phản ứng, giảm ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn. Sau khi nhiễm bệnh từ 3-5 ngày, các đốt bụng sẽ chuyển từ trắng trong sang đục kèm theo đó là mô cơ ở phần bụng chuyển sang trắng đục hoặc vàng đục, nhão và có mùi hôi. Quan sát kỹ hơn sẽ thấy gan tụy chuyển màu nhợt nhạt hoặc bị hoại tử.

Cách điều trị bệnh sữa trên tôm hùm

Theo phác đồ điều trị bệnh sữa của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tiêm thuốc cho toàn bộ tôm trong lồng nuôi, cụ thể như sau:
 
Khi phát hiện tôm hùm bị bệnh, tiến hành tiêm thuốc cho toàn bộ tôm trong lồng nuôi bằng Oxytetracyline 20% dạng tiêm có chứa LA, sử dụng nước cất dùng để pha thuốc. Đối với tôm hùm có kích cỡ dưới 500 g/con, tiến hành pha thuốc chứa 1 ml Oxytetracycline 20% + 9 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (1 phần thuốc pha với 9 phần nước), lắc đều. Tiêm với liều lượng 0,1 ml thuốc đã pha/100 g khối lượng tôm hùm. Tôm hùm có kích cỡ trên 500 g/con, pha thuốc chứa 2 ml Oxytetracycline 20% + 8 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất, liều tiêm 0,05 ml thuốc đã pha/100 g khối lượng tôm hùm.
 
Hàng ngày, cho tôm ăn thức ăn trộn thuốc bổ trợ (men tiêu hóa và premix). Cho ăn vào chiều mát khi trời bắt đầu tối. Sau khi tiêm thuốc, tiến hành ghi chép và theo dõi (2 lần/ngày) khả năng bắt mồi cùng với dấu hiệu lâm sàng của bệnh sữa trong đàn tôm.
 
Sau khi điều trị tiến hành kiểm tra toàn bộ tôm điều trị, kiểm tra dấu hiện lâm sàng xem tôm có bị bệnh hay không. Nếu có điều kiện, có thể thu và gửi mẫu xét nghiệm bệnh sữa tại các phòng thử nghiệm. Trường hợp đã thực hiện đúng phác đồ điều trị bệnh không khỏi, hoặc có những biến đổi bất thường, cơ sở nên báo cơ quan quản lý thú y thủy sản tại địa phương để hướng dẫn giải quyết.

2) Bệnh đỏ thân

nhung-benh-pho-bien-tren-tom-hum-va-cach-dieu-tri 2
Bệnh đỏ thân trên tôm. Ảnh minh họa.
 
Bệnh đỏ thân là một bệnh nguy hiểm không kém bệnh sữa trên tôm hùm. Bệnh có thể khiến tôm chết rải rác hoặc hàng loạt nếu không được chữa trị kịp thời. Có nhiều tác nhân khác nhau gây ra bệnh đỏ thân trên tôm hùm, một trong số đó là nhóm vi khuẩn Vibrio gây ra.
 
Thông thường, tôm nhiễm bệnh sẽ bỏ ăn và hoạt động kém, đồng thời toàn thân chuyển sang màu đỏ. Bệnh xuất hiện trên cả tôm con và tôm trưởng thành. Để điều trị, bà con có thể sử dụng Doxycycline trộn vào thức ăn với liều lượng 3-7g/kg và cho tôm ăn liên tục trong 5-7 ngày.

3) Bệnh đen mang

Không nguy hiểm như những bệnh kể trên nhưng bệnh đen mang có thể khiến toàn bộ tơ mang bị phá hủy nếu không được điều trị kịp thời. Cụ thể, ban đầu mang tôm bị tổn thương và chuyển sang màu đen, sau đó lan rộng ra khắp mang. Tác nhân gây bệnh này chính là nấm Fusarium.
 
Bà con có thể điều trị bệnh đen mang trên tôm hùm bằng cách sử dụng Formalin nồng độ 100-200ml/m3 tắm cho tôm trong 10-15 phút và liên tục trong 2-4 ngày. Sau khi xử lý cần mang tôm bệnh thả nuôi ở lồng khác.

Lời kết

Trên đây là những bệnh phổ biến trên tôm hùm và cách điều trị bà con cần lưu ý. Trong quá trình nuôi, bà con có thể bổ sung thêm các chế phẩm vi sinh trong nuôi trồng thủy sản để kiểm soát các yếu tố môi trường cũng như tăng sức đề kháng cho tôm. Chúc bà con vụ nuôi thành công!
 
Nguồn: EcoClean t/h.
 
Tìm theo từ khóa: bệnh trên tôm hùm , tôm hùm , nghề nuôi tôm , phòng trị bệnh trên tôm