Như chúng ta đã biết, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực được thiên nhiên ban tặng thời tiết ôn hòa quanh năm, đất đai màu mỡ, hơn nữa còn có chế độ ngập lũ theo mùa mưa và ngập mặn ven biển theo thủy triều với trên 90% diện tích đất tự nhiên,… vì thế, ngoài phát triển cây lúa nơi đây còn được tạo rất nhiều thuận lợi để ngành thủy sản phát triển và trở thành một trong những nguồn cung ứng thủy sản chủ đạo cho cả nước. Đứng trên khía cạnh đời sống, nuôi trồng thủy sản đã và đang giúp nhiều bà con vươn lên xóa đói giảm nghèo với lợi nhuận ổn định. Đứng trên khía cạnh kinh tế, ngành thủy sản giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
 
Dù vậy, đi đôi với sự phát triển mạnh mẽ ngành thủy sản cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ô nhiễm cho môi trường sống. Để nắm rõ hơn về vấn đề này, ECOCLEAN xin mời bạn đọc và bà con cùng tìm hiểu qua bài viết “Thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng và chế biến thủy sản” ngay sau đây!
 
Thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng và chế biến thủy sản khu vực ĐBSCL 1

Thực trạng ngành thủy sản của khu vực ĐBSCL

Nhận thấy được những điều thuận lợi kể trên, ngành nuôi trồng thủy sản của khu vực ĐBSCL trong nhiều năm qua đã có những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc. Điển hình là năm 2005 toàn khu vực ĐBSCL có diện tích nuôi trồng thủy sản là 680.200 ha, trong khi đó tổng sản lượng tính đến năm 2012 đạt 2.221.182 tấn (tôm: 357.772 tấn, cá: 1.770.509 tấn). Từ nhiều thống kê cho thấy, sản lượng thủy sản của khu vực ĐBSCL chiếm 70.94% tổng sản lượng trên cả nước với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 17,8%.
 
Định hướng Quy hoạch của Bộ NN&PTNT đến năm 2020 diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản sẽ đạt mức 812.000 ha. Trong đó, nước mặn lợ chiếm 636.000 ha (nuôi tôm: 571.000 ha); nước ngọt chiếm 176.000 ha (nuôi cá tra: 10.000 ha). Sản lượng dự tính năm 2020 đạt 3 triệu tấn, gồm: cá 2,1 triệu tấn; tôm 1,8 triệu tấn; các loại thủy sản khác 305 nghìn tấn.

Nuôi trồng song hành cùng chế biến

Nghề nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL vươn lên đã kéo theo sự phát triển của ngành chế biến thủy sản. Theo thống kê sơ bộ, toàn vùng có khoảng 206 cơ sở chế biến, trong đó có 188 cơ sở đông lạnh và số còn lại là các sơ sở loại hình hàng khô và đồ hộp với tổng công suất chế biến khoảng 780.000-950.000 tấn/năm. Tiêu biểu nhất là ở các tỉnh: Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang có số nhà máy chiếm trên 53% tổng số nhà máy chế biến thủy sản của khu vực ĐBSCL.
 
Với quy mô kể trên, thị trường tiêu thụ thủy sản của khu vực trải dài qua 29 quốc gia thuộc Bắc Mỹ, EU, châu Đại Dương và Trung Đông với các mặt hàng chủ đạo gồm: tôm và cá tra. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD/năm.

Thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng và đánh bắt thủy sản

Nhìn chung, suốt những năm vừa qua lượng chất thải từ ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản đang ngày càng nhiều, bao gồm cả chất thải rắn, lỏng, và khí thải đang là vấn đề nhứt nhói gây ô nhiễm môi trường hiện nay.

Các nguồn thải từ ngành thủy sản

Nguồn thải từ ngành thủy sản rất đa dạng, chủ yếu là từ:
 

a. Bùn thải:

 
Bùn là yếu tố quan trọng trong nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên bùn thải sau mỗi vụ nuôi lại chứa nhiều thành phần gây ô nhiễm chủ yếu gồm: thức ăn dư thừa tích tụ bị thối rửa, dư lượng hóa chất và kháng sinh,… Ngoài ra, do ngập trong nước ở điều kiện yếm khí thời gian dài nên bùn thải còn chứa nhiều khí độc như: H2S, NH3,…
 
Từ những yếu tố kể trên, có thể thấy nếu như trong vụ nuôi phải xử lý bùn đáy ao để thủy sản nuôi khỏe mạnh thì bùn thải sau vụ nuôi chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải được xử lý triệt để.
 

b. Nước thải:

 
Thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng và chế biến thủy sản khu vực ĐBSCL 2
 
Chúng tôi tạm chia nước thải của ngành thủy sản thành 2 loại: một là, nước thải trong quá trình nuôi trồng và hai là, nước thải trong quá trình chế biến. Trong đó, nước thải từ quá trình nuôi trồng cũng chứa nhiều thành phần độc hại cần được xử lý nếu không muốn môi trường nuôi bị ô nhiễm. Để bà con nắm rõ, chúng tôi xin liệt kê như sau:
 
- Trong nuôi tôm công nghiệp: BOD5 khoảng 12-35 mg/lít, COD khoảng 20-50 mg/lít, P, N, chất rắn lo lửng, Amoniac, Coliforms.
- Trong nuôi cá trê lai: BOD5 khoảng 56 mg/lít, COD khoảng 118 mg/lít, N khoảng 11,50 mg/lít, P khoảng 5,02 mg/lít.
- Trong nuôi cá tra: BOD5 khoảng 112 mg/lít, COD khoảng 112 mg/lít, N khoảng 4,81 mg/lít, P khoảng 2,17 mg/lít.
 
Do vậy, không chỉ xử lý nước ao nuôi thủy sản mà nguồn nước thải từ quá trình nuôi trồng thủy sản cần phải được xử lý triệt để trước khi tiếp nhận vào môi trường.
 
Bên cạnh đó, nước thải từ quá trình chế biến thủy sản chứa nồng độ ô nhiễm cao gấp nhiều lần so với nuôi trồng bởi nguồn nước thải tập trung từ nhiều giai đoạn như: rửa nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, nước vệ sinh nhà xưởng, chất thải con người, nước rửa máy móc thiết bị,… Điều đó khiến nồng độ ô nhiễm trong nước thải chế biến thủy sản rất cao: BOD5 khoảng 800-2.000 mg/lít có lúc lên đến 4.500 mg/lít, COD khoảng 1.000-2.500 mg/lít có lúc lên đến 5.000 mg/lít, khuẩn Coliforms lớn hơn 1.105 MPN/100ml,…
 
Chính vì thế, tại các khu công nghiệp tập trung và các cơ sở chế biến nước thải sẽ được đưa vào hệ thống xử lý bằng công nghệ tiên tiến triệt để trước khi thải ra môi trường.
 

c. Các yếu tố khác:

 
Khí độc sinh ra từ các lò hơi, máy phát điện, lò sấy,… khi chế biến cũng chứa nhiều thành phần độc hại. Bên cạnh đó, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải, cỏ rác, rong tảo trong ao nuôi có khả năng phân hủy gây mùi hôi và ô nhiễm. Các chất thải nguy hại như: thùng đựng hóa chất, thuốc khử trùng, cặn dầu nhớt,… là vô cùng độc hại nếu tiếp nhận vào môi trường.
 
Thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng và chế biến thủy sản khu vực ĐBSCL 3

Kết luận

Khi môi trường bị ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thủy sản nuôi, do vậy việc bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền và áp dụng những công nghệ mới nhất vào xử lý ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản. Chỉ có như vậy, ngành thủy sản của ĐBSCL mới có thể phát triển bền vững lâu dài.
 
Nguồn: EcoClean t/h.