Từ đầu năm đến nay, tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại đã xảy ra, dù diện tích thả nuôi chưa nhiều. Mặt khác, do thời tiết nắng nóng, khả năng bùng phát bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm là rất cao.
 
Ở Sóc Trăng, theo dự báo nắng nóng và mặn xâm nhập còn kéo dài đến tháng 4, tháng 5, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn dẫn đến các yếu tố thủy lý hóa trong ao thay đổi đột ngột, tôm dễ bị sốc, giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập.
 
Hiện nay, thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề, Cù Lao Dung đã có một phần diện tích nuôi tôm nước lợ được thả giống. Theo dự báo, nắng nóng và mặn xâm nhập còn kéo dài đến tháng 4, tháng 5, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn dẫn đến các yếu tố thủy lý hóa trong ao thay đổi đột ngột, tôm dễ bị sốc, giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập. Theo kết quả giám sát dịch bệnh hằng năm cho thấy, những tháng nắng nóng thì số tôm chết do bệnh gan tụy cấp cũng tăng theo.
 
Với thời tiết này rất bất lợi cho nuôi tôm, ngành chức năng khuyến cáo bà con chú ý một số thông tin để hạn chế thiệt hại. Trước tiên, tại các khu vực chưa thả giống, giai đoạn này không phải là thời điểm thích hợp để thả nuôi. Những hộ nuôi chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường ao nuôi thì không nên nôn nóng thả giống để hạn chế rủi ro.
 
Ông Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Tôm nuôi thường phát bệnh nhiều vào tháng 1 cho đến tháng 3, vì đây là thời gian nắng nóng cao. HTX khuyến cáo các thành viên từ tháng 1 đến tháng 3 độ mặn chưa đủ, nên ngưng thả tôm nuôi. Đến giữa tháng 4 về sau độ mặn đã đủ để thả tôm và tỉ lệ thành công sẽ cao hơn”. Khuyến cáo nông dân cần chuẩn bị trước ao lắng trữ nước, để xử lý cấp qua ao tôm, khi mực nước trong các ao tôm xuống thấp. Bởi độ mặn trên các sông năm nay không ổn định. Mặt khác lại không thể lấy nước trực tiếp từ bên ngoài vào ao nuôi mà không qua xử lý.
 
Qua kết quả quan trắc môi trường cho thấy một số điểm có hàm lượng vi khuẩn Vibrio trong nước và trong tôm vượt ngưỡng giới hạn ở một số vùng của huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Bà con cần lưu ý trong quá trình lấy nước vào ao nuôi, thực hiện các biện pháp ngăn chặn không cho các dịch hại bên ngoài xâm nhập vào ao nuôi, tránh tình trạng lây lan chéo.

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính EMS và khuyến cáo phòng bệnh

bệnh hoại tử gan tụy EMS trên tôm
 
Tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Con đường lây lan: lây từ phân, dịch nhầy trên tôm bị bệnh, lây nhiễm trên thức ăn, môi trường nước truyền vào con tôm khỏe, hoặc từ tôm bố mẹ sang con tôm giống. Hiện tượng hoại tử gan tụy xuât hiện rất sớm trên tôm nuôi (sớm nhất là 17 ngày tuổi, thông thường tôm chết từ 20 – 30 ngày tuổi, hiện tại ở Sóc Trăng có ghi nhận tôm chết giai đoạn khoảng hơn 40 ngày, khiến cho người nuôi bị thiệt hại nhiều hơn). Biểu hiện lâm sàng là tôm lờ đờ, bỏ ăn, vỏ mềm, kiểm tra thấy gan mềm, sưng to hoặc gan tụy bị teo dai, ruột không có thức ăn hoặc đứt quãng, màu sắc tôm chuyển từ sáng trong sang vàng nhạt, tôm rất chậm lớn và thường chết ở đáy áo.
 
Hiện tượng hoại tử gan tụy xảy ra hầu như quanh năm, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh xuất hiện nhiều ở điều kiện nhiệt độ và độ mặn cao.
 
Kỹ sư Nhan Trung Nghĩa, Phó Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Để phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp, bà con cần lưu ý: Đối với những ao điều kiện thả nuôi chưa thật tốt như ao cạn, không có ao lắng thì không nên vội thả tôm vào giai đoạn nắng nóng, nên thả giống theo khuyến cáo của ngành chức năng. Khi thả giống thì nên nuôi theo các mô hình an toàn sinh học như: Nuôi tôm hai giai đoạn, kết hợp nuôi cá rô phi để tạo được hệ tảo ổn định, môi trường ít biến đổi. Trước khi thả giống, bà con nên đem tôm đi xét nghiệm, nhất là các bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh do vi bào tử trùng. Khi thả giống xong cũng phải chú ý quản lý thức ăn, tránh cho tôm ăn dư thừa. Vì nếu thức ăn dư làm cho khí độc trong ao nuôi tăng cao, các loại vi sinh có hại phát triển, có thể sử dụng bổ sung chế phẩm vi sinh xử lý khí độc trong ao nuôi tôm để hạn chế NO2, H2S, NH3. Trong quá trình nuôi tôm cố gắng duy trì mực nước từ 1,4 mét cho đến 1,5 mét. Vì nếu mực nước thấp thì môi trường nuôi biến đổi rất lớn, nhiệt độ thay đổi nhiều; Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng giai đoạn 1 tháng tuổi phải thường xuyên kiểm tra khí độc trong ao để có biện pháp xử lý kịp thời; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo dịch bệnh, tình hình thời tiết; Trong quá trình nuôi, phát hiện tôm bị hoại tử gan tụy cấp thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan Thú y, nếu tôm đạt kích cỡ thu hoạch thì nên thu hoạch ngay và tuyệt đối không xả nước ao tôm bệnh ra môi trường”.
 

>> Kiến thức cần biết: Cách khống chế Hội chứng chết sớm (EMS) trong ao nuôi tôm

 
Yếu tố con giống quyết định cao trong việc phòng bệnh, người nuôi chỉ nên mua con giống đã được xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trước khi thả, đặc biệt là bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh vi bào tử trùng. Mật độ thả vừa sức: đối với tôm sú nuôi thâm canh 15 – 20 con/m2, nuôi bán thâm canh 8 – 14 con/m2; tôm thẻ chân trắng  30 – 60 con/m2 (đối với những hộ mới chuyển đổi ) và 60 – 80 con/m2 (đối với nhứng hộ có kinh nghiệm và đủ điều kiện).
 
cải tạo nuôi trước khi thả tôm nuôi
Cần cải tạo ao thật tốt trước khi thả tôm nuôi. Ảnh minh họa.
 
Ngoài ra, ngành chức năng khuyến cáo đối với các vùng nuôi đang có dịch bệnh, diện tích thiệt hại tăng nhanh thì nên ngưng thả giống đợi khi điều kiện môi trường, dịch bệnh ổn định sẽ tiếp tục thả nuôi. Nên thả kết hợp cá rô phi trong ao lắng để xử lý môi trường.
 
Xử lý tốt ao nuôi cũ khi tôm bị bệnh chết sớm cũng là cách phòng ngừa dịch bệnh lây lan cho các vùng xung quanh và vụ nuôi sau. Do đó: Khi phát hiện tôm bị bệnh hoặc nghi bệnh hãy báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương để lấy mẫy xác định tác nhân gây bệnh. Khi đã xác định tôm nuôi bị nhiễm bệnh thì cần phải xử lý ngay. Nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch, nếu nhỏ thì sử dụng hóa chất (Chlorine) để xử lý, giữ nước lại trong ao 2 tuần trước khi xả ra môi trường. Khử trùng dụng cụ, thu gom và xử lý rác thải. Cải tạo lại ao, ngưng ít nhất 1 tháng trước khi thả nuôi đợt mới.
 
01/03/2018
Theo: Ngọc Khuê - THST.