Sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi tôm không chỉ giúp nhiều bà con vươn lên thoát nghèo mà qua đó còn thúc đẩy các công ty sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm phát triển. Song, vấn đề tối đa hóa lợi nhuận của nhiều loại thức ăn công nghiệp dẫn đến việc không chú trọng đảm bảo các chất dinh dưỡng cho tôm. Do vậy, nếu chỉ dựa vào những loại thức ăn công nghiệp này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm.

Các bệnh phổ biến trên tôm do thiếu dinh dưỡng

Khi tôm nuôi thiếu dưỡng chất và các chất khoáng để phát triển, dịch bệnh là điều khó tránh khỏi. Ngoài các bệnh nguy hiểm như: EMS, AHPND,… dưới đây là 5 bệnh phổ biến nhất khi tôm nuôi thiếu dinh dưỡng:

# Bệnh do thiếu Vitamin

Riboflavin và Vitamin K là những thành phần quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và khả năng sống của tôm (Rai & Reddy 2004), bên cạnh đó thiếu Vitamin C được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tôm bị chết đen và làm giảm tỷ lệ sống của ấu trùng tôm. Tôm ăn ít hoặc bỏ ăn sẽ khiến sức đề kháng bị giảm, dễ bị sốc môi trường, tạo điều kiện để các tác nhân gây bệnh có cơ hội tấn công tôm nuôi (tỉ lệ hao hụt 80-90%).
 
Do vậy, việc cho tôm ăn các thức ăn được bổ sung đầy đủ Vitamin có thể giúp tôm phát triển tốt hơn và tăng khả năng chống chịu với môi trường, dịch bệnh. Một số chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản hiện nay còn cung cấp thêm hệ vi khuẩn có lợi giúp xử lý các yếu tố môi trường và tôm phát triển khỏe mạnh.

# Nhiễm độc tố Aflatoxin

Loài nấm Aspergillus được tìm thấy trong các nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn cho tôm như: ngô, lạ, gạo, bột cá, thịt,… có thể sản xuất ra loại độc tố Aflatoxin nguy hiểm. Khi nhiễm độc, tôm sẽ xuất hiện biểu hiện như: giảm ăn, tăng trưởng chậm, tôm yếu bơi lờ đờ, cơ thể chuyển sang màu đỏ, khi gần chết có màu giống tôm rang. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng 50 microgram Aflatoxin trong mỗi gram thức ăn có thể khiến tôm bị teo và hoại tử gan tụy, thiệt hại đến 98% chỉ trong vòng 3 tháng.
 
Vì thế, cách phòng bệnh tốt nhất là sử dụng thức ăn tươi, mới được chế tạo, khi lưu trữ thức ăn phải thực hiện theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.

# Hội chứng thiếu hụt sắc tố

5-benh-pho-bien-tom-do-thieu-dinh-duong 1
 
Có tên khoa học là Pigmen Deficiency Syndrome (PDS) là căn bệnh được xác nhận là có liên quan đến hàm lượng chất Carotenoid Astaxanthin (một chất chính trong vỏ và các cơ quan bên trong của loài giáp xác) trong thức ăn của tôm. Bệnh khiến màu sắc tôm trở nên nhợt nhạt, màu sắc kém hấp dẫn khi chế biến, làm giảm giá trị của tôm khi bán ra thị trường.
 
Để điều trị hội chứng thiếu hụt sắc tố trên tôm, cần sử dụng chế độ ăn có bổ sung nguồn Carotenoid. 

# Bệnh cong thân

Việc thức ăn không cung cấp đủ Na, Ca, Mg cũng được xem là nguyên nhân chính khiến tôm bị bệnh cong thân, bệnh sẽ nặng hơn khi tôm sống trong môi trường dễ bị stress. Khi bị sốc, tôm búng mạnh và cơ thể bị cong không thể duỗi ra được. Nếu bị nhẹ, tôm chỉ bị gù lưng và vẫn có thể hoạt động bình thường, khi bị nặng, tôm thường nằm nghiêng một bên. Để biết rõ hơn về bệnh cong thân, bà con có thể xem thêm bài “Nguyên nhân và cách phòng bệnh cong thân ở tôm” đã được chúng tôi chia sẻ trước đó.
 
5-benh-pho-bien-tom-do-thieu-dinh-duong 2

# Bệnh mềm vỏ

Khi thiếu các Vitamin (nhất là Vitamin D) và khoáng chất cần thiết (K, Ca, P) trong quá trình phát triển, tôm sẽ bị mềm vỏ. Vỏ tôm bệnh thường có màu xỉn, bị mềm hoặc rất mềm, vỏ rời thịt, tôm yếu và dễ bị đồng loại ăn thịt hoặc các vi khuẩn gây bệnh tấn công,… Nguyên nhân gây bệnh là do thực phẩm không cung cấp đủ các chất, kém chất lượng, hoặc do ôi thiu,…
 
Để khắc phục bệnh, cách duy nhất là bà con cần bổ sung các Vitamin và các khoáng chất cần thiết để tăng cường quá trình trao đổi chất và hấp thu dưỡng chất của tôm, giúp tôm khỏe mạnh, đề kháng bệnh tật, mau lớn.

Lời kết

Nghề nuôi tôm không bao giờ là dễ dàng, người nuôi vừa phải chống chọi với dịch bệnh vừa phải cung cấp đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho tôm. Chúng tôi hy vọng qua bài viết này bà con sẽ biết thêm các bệnh phổ biến thường gặp khi tôm thiếu dinh dưỡng để có biện pháp xử lý kịp thời. Chúc bà con vụ mùa bội thu!
 
Nguồn: EcoClean t/h.
 
Tìm theo từ khóa: bệnh phổ biến trên tôm do thiếu dinh dưỡng , bệnh trên tôm , dinh dưỡng trên tôm , nghề nuôi tôm