Trong đời sống hàng ngày, cá kèo là nguyên liệu chế biến món ăn rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là các món nhậu như: lẩu cá kèo, cá kèo nướng muối ớt,… không chỉ vậy, đây còn được biết đến là đối tượng thủy sản dễ nuôi.
 
Theo các chuyên gia, cá kèo có thể thích nghi với mọi nguồn nước, độ mặn thích hợp nhất để cá sinh trưởng tốt là từ 10-25‰. Tận dụng ưu điểm này, nhiều bà con đã áp dụng kỹ thuật nuôi cá kèo trong ao nuôi tôm sú và đã gặt hái được nhiều thành công, đó cũng là điều visinhthuysan.vn muốn chia sẻ với bà con trong bài viết này!
 
chia-se-ky-thuat-nuoi-ca-keo-trong-ao-nuoi-tom-su-dat-hieu-qua-cao 3
Nhiều bà con ở Sóc Trăng bội thu nhờ mô hình nuôi cá kèo trong ao tôm sú. Ảnh minh họa

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá kèo trong ao nuôi tôm sú

Ở bài viết trước, chúng tôi đã hướng dẫn bà con những kỹ thuật nuôi cá kèo trong ao nuôi độc lập. Tuy nhiên, nếu bà con muốn khai thác tối đa tiềm năng đất đai từ các ao nuôi tôm sú thì có thể áp dụng kỹ thuật này.

a. Cải tạo ao nuôi

Thông thường, ao nuôi tôm sú (hoặc ruộng muối) thường có độ mặn cao vì thế bà con sẽ cần xử lý hạ độ mặn bằng cách cho nước ra vào nhiều lần, bón vôi CaCO3 liều 100-150kg/ha và diệt sạch cá tạp cùng mầm bệnh. Trước khi thả giống, bà con cấp nước vào ao qua lưới lọc và đạt độ sâu thích hợp từ 25-30cm. Tiến hành gây tảo để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá kèo. Một số cách gây tảo hiệu quả bà con có thể tham khảo như: sử dụng phân gà, bột đậu nành, phân bón lá,…
 
Khi thấy pH ao đạt từ 7,5-8,5 và độ trong nước từ 30-35cm thì có thể tiến hành thả cá giống.
 
chia-se-ky-thuat-nuoi-ca-keo-trong-ao-nuoi-tom-su-dat-hieu-qua-cao 2
Cá kèo là đối tượng dễ nuôi và dễ tiêu thụ. Ảnh minh họa.

b. Chọn cá giống

Mặc dù là loài dễ nuôi, song, bà con cũng nên cẩn trọng khi mua cá kèo giống. Hiện nay, nguồn con giống được cung cấp chủ yếu là từ các ngư dân vớt hoặc kéo lưới ven biển hoặc trong các khu rừng ngập mặn, chính vì thế cá giống thường không đồng đều về kích cỡ. Vì vậy, bà con chỉ cần quan sát hoạt động của cá và cá không bị các bệnh ngoài da là được.
 
Theo các chuyên gia khuyến cáo, mật độ thả thích hợp đối với nuôi cá kèo trong ao nuôi tôm sú là từ 10-15 con/m2. Bà con nên thả cá vào lúc sáng sớm hoặc khi chiều mát để tránh gây sốc cho cá.

c. Thức ăn cho cá

Thức ăn chủ yếu của cá kèo là các loại rong rêu, tảo và các phiêu sinh phù du,… có trong ao. Thông thường, nhiều bà con không cho cá ăn trong hai tháng đầu và kể từ tháng thứ 2 trở đi chỉ cho cá “ăn dặm” bằng cách cho nước ra vào thường xuyên và tăng cường thêm cám gạo, bột đậu nành. Có thể bón thêm các chế phẩm sinh học để kích thích cá phát triển khỏe mạnh. Nếu nuôi cá với mật độ 50-60 con/m2 thì bà con cần bổ sung thêm thức ăn công nghiệp dạng viên để tránh tình trạng cạnh tranh thức ăn gay gắt gây hao hụt.
 
 
Nhìn chung, cá kèo nuôi theo mô hình kết hợp trong ao nuôi tôm sú thường ít bị dịch bệnh, lại khỏe mạnh mau lớn và có thể thu hoạch sau 4-6 tháng nuôi. Hy vọng đây sẽ là gợi ý giúp bà con tận dụng tối đa nguồn đất đai sẵn có và tăng thêm thu nhập. Chúc bà con vụ mùa bội thu!
 
Nguồn: EcoClean t/h.
 
 
Tìm theo từ khóa: kỹ thuật nuôi cá kèo trong ao tôm sú , kỹ thuật nuôi cá kèo , nghề nuôi cá