Lươn là loài thủy sản thuộc lớp cá nhưng không có bong bóng, chúng ưa sống trong bùn đất và những nơi ẩm ướt, thịt lươn được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau, ở nhiều nơi thịt lươn còn được xem là món “đặc sản”. Do vậy, không giống như các loài thủy sản khác trên thị trường, nhu cầu về thịt lươn luôn ổn định nên nhiều bà con đã chuyển sang nuôi loài thủy sản này.
Kỹ thuật nuôi lươn không bùn trong bể xi măng hiệu quả cao
Trước đây, lươn chủ yếu được nuôi trong tự nhiên, tuy vậy tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đã phần nào gây những thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Chính vì thế, nhằm đảm bảo năng suất đầu ra cũng như lợi nhuận ổn định hơn, nhiều mô hình nuôi nhân tạo đã được ra đời để không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Một trong số đó là
mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng đang được rất nhiều bà con áp dụng.
Trong bài viết hôm nay, ECOCLEAN sẽ chia sẻ đến bà con những thông tin cụ thể nhất về mô hình này cũng như những kỹ thuật nuôi lươn không bùn hiệu quả nhất. Kính mời bà con cùng theo dõi!
1) Kỹ thuật xây bể xi măng nuôi lươn
+ Diện tích của bể nuôi lươn phổ biến từ khoảng 5-10m2 và phải có chỗ thoát nước để dễ dàng cho việc thay nước, cũng như chăm sóc lươn trong suốt vụ nuôi. Phần đáy bể có độ dốc khoảng 3cm nghiêng về phía lỗ thoát nước; (*) Lưu ý: Miệng lỗ thoát nước phải được bịt lưới để tránh trường hợp lươn “đào tẩu” nhé!
+ Thành bể được xây bằng gạch (đá) với độ dày 10-15cm và cao từ 0.8-1m; toàn bộ diện tích bên trong bể đều phải được làm trơn láng bằng xi măng hoặc lót gạch để lươn nuôi không bị xây xát khi hoạt động; mực nước trong bể đạt độ sâu từ 0.2-0.4m.
+ Phía trên bể nên lợp thêm mái che để phòng mưa nắng, có thể phủ thêm lớp bèo trên mặt nước để giữ nước luôn mát. Làm như vậy lươn sẽ phát triển tốt hơn.
+ Ngoài bể nuôi chính, bà con nên xây thêm một bể lắng để xử lý nước trước khi thay nước cho bể nuôi chính, tránh dịch bệnh lây lan từ nguồn nước bên ngoài vào.
2) Kỹ thuật cải tạo bể nuôi lươn không bùn
Theo kinh nghiệm từ các chuyên gia cũng như nhiều bà con nuôi lươn lâu năm thì cải tạo bể nuôi đúng kỹ thuật sẽ giúp nuôi lươn không bùn đạt năng suất tốt hơn. Vì thế:
+ Đối với những bể nuôi mới xây: bà con nên cấp nước vào bể và ngâm với thân cây chuối hột; khoảng 10-15 ngày sau xả bỏ nước cũ rồi rửa bể lại bằng nước sạch (2-3 lần); tiến hành cấp nước sạch vào bể nuôi.
+ Đối với những bể nuôi đã cũ: sau khi thu hoạch xong vụ nuôi, bà con nên tháo cạn nước, chà rửa bể kết hợp dùng vôi hòa tan quét khắp bề mặt của bể; phơi ao khoảng 20-30 ngày trước khi bắt đầu vào vụ nuôi mới.
+ Trong ao nuôi cần đặt các giá thể để lươn làm chỗ trú ẩn. Nhiệt độ nước thích hợp để nuôi lươn khoảng 25-27oC và pH thích hợp từ 7.0-8.5.
3) Chọn và thả lươn giống
Khi chọn lươn giống, bà con cần chú ý chọn những con khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng bơi lội nhanh, không xây xát, mất nhớt,…
Hiện nay trên thị trường có 2 loại cho bà con lựa chọn khi nuôi lươn trong bể xi măng gồm:
+ Lươn tự nhiên: chiều dài >=20cm; tỉ lệ sống 20-30%; mật độ thả 80-100 con/m
2; năng suất khi thu hoạch đạt 10-15kg/m
2. Đối với lươn tự nhiên cần trải qua
quá trình thuần dưỡng lươn trước khi thả.
+ Lươn sinh sản nhân tạo/bán nhân tạo: chiều dài 10-15cm; tỉ lệ sống 70-90%; mật độ thả 100-200 con/m2 (có thể lên đến 500 con/m2); năng suất khi thu hoạch đạt 100kg/m2;
Trước khi thả, lươn giống cần được tắm trong nước muối loãng 3-5% trong 5-10 phút để loại bỏ ký sinh trùng bám trên lươn.
4) Kỹ thuật cho lươn ăn và quản lý bể nuôi
Chăm sóc và quản lý bể lươn là rất quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất vụ nuôi. Để chăm sóc lươn theo đúng kỹ thuật nuôi lươn không bùn trong bể xi măng thì bà con cần thực hiện những điều sau:
+ Nếu cho lươn ăn thức ăn công nghiệp thì cần được hấp chín vì trong thức ăn có chứa một số thành phần nhân tạo khiến hệ tiêu hóa của lươn có hấp thu nếu chưa được hấp chín. Thức ăn tự nhiên ưa thích của lươn chủ yếu là cá tạp, giun, ốc, hến,…
+ Dụng cụ cho lươn ăn phải là sàng tre đan (0.8m x 1m), nhẵn hoặc sàn lưới cước được đặt cách mặt nước khoảng 5-10cm.
+ Sau khi thả lươn từ 7-10 ngày đầu nên cho lươn vào buổi tối, dần dần tập cho lươn ăn sớm hơn. Khi lươn đã được thuần hóa và ăn khỏe thì có thể cho ăn mỗi ngày 2 lần với lượng thức ăn từ 5-7% trọng lượng đàn lươn. Khi lươn trưởng thành, mỗi ngày cho ăn 1 lần vào buổi chiều mát.
+ Một điều quan trọng bà con cần lưu ý là nên thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn trong sàng để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý cho lần kế tiếp.
Bên cạnh đó, bà con cũng cần định kỳ mỗi tháng một lần kiểm tra bể lươn để phân loại cỡ lươn, tránh tình trạng ăn thịt lẫn nhau. Đồng thời, cần thường xuyên thay nước bể lươn để tránh bị ô nhiễm như sau:
+ Trong 2 tháng nuôi đầu tiên, thay 100% lượng nước trong bể định kỳ 1-2 ngày/lần.
+ Kể từ tháng thứ 2 trở đi, tùy theo mức độ ô nhiễm của nước trong bể mà ta có thể thay nước kết hợp vệ sinh bể.
+ Định kỳ sử dụng
chế phẩm sinh học để phòng bệnh cho lươn và giúp cải thiện hệ thống tiêu hóa cho lươn, giúp lươn tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
5) Kỹ thuật thu hoạch lươn nuôi
Sau khi nuôi từ 3-4 tháng lươn đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch, có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ tùy theo nhu cầu tiêu thụ thị trường. Trước khi thu hoạch, bà con nên cho lươn nhịn ăn 1 ngày.
Như vậy, chúng tôi vừa chia sẻ đến bà con một số kỹ thuật nuôi lươn trong bể xi măng mang lại hiệu quả cao. Đây cũng là cách nuôi lươn không bùn được rất nhiều bà con áp dụng và thành công. Trong quá trình nuôi, bên cạnh những kỹ thuật kể trên thì phương pháp phòng trị bệnh cũng cần được chú trọng. Chúng tôi sẽ có những chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này trong kỳ kế tiếp, bà con nhớ đón xem! Chúc bà con vụ mùa bội thu!
Nguồn: EcoClean t/h.