Thức ăn được xem là yếu tố then chốt ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản. Vậy, những loại thực phẩm được dùng trong nuôi trồng thủy sản gồm những gì?

Thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng ở từng giai đoạn phát triển sẽ giúp động vật thủy sản khỏe mạnh và sinh trưởng nhanh. Theo ước tính, chi phí thức ăn thường chiếm khoảng 50-70% giá thành sản xuất trong mỗi vụ.
 
Do vậy, người nuôi thường kết hợp sử dụng thức ăn từ nhiều nguồn khác nhau nhằm giảm thiểu chi phí cho vụ nuôi, kết hợp dùng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản giúp cải thiện tiêu hóa, hạn chế dịch bệnh và tăng năng suất. Dưới đây là một số loại thức ăn sử dụng trong nuôi trồng thủy sản phổ biến nhất.

1. Thức ăn tự nhiên

Thông thường, thành phần thức ăn tự nhiên trong ao nuôi rất đa dạng và phong phú, chủ yếu là các loài thực vật phù du (tảo khuê, tảo lục,…) và các động vật phù du (luân trùng, trứng nước, giáp xác chân chèo,…). Đây là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng rất quan trọng với động vật thủy sản, nhất là trong giai đoạn đầu đời do chúng có kích thước nhỏ phù hợp với kích cỡ miệng của ấu trùng.
 
Chính vì vậy, trước khi thả giống người nuôi thường được khuyến cáo cần bổ sung thêm phân bón và chất dinh dưỡng vào ao để phát triển nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong nước, như vậy sẽ giúp tận dụng triệt để nguồn thức ăn tự nhiên, góp phần giảm lượng thức ăn nhân tạo và hạn chế rủi ro ô nhiễm.

2. Thức ăn tươi sống

Một số loài có giá trị kinh tế thấp như: cá rô phi, cá mè trắng, cá tép dầu, giun quế,… thường là đối tượng được nuôi để làm thức ăn cho các loài động vật thủy sản có giá trị kinh tế cao như: baba, lươn, cá chình, cá trắm đen,… Bên cạnh nguồn thức ăn tự nhiên, đây cũng được xem là nguồn thức ăn bổ dưỡng và giảm thiểu chi phí sản xuất.
 
Để có nguồn thức ăn tươi sống, bà con có thể chủ động nuôi ghép cá rô phi để cá sinh sản trong ao, khi cá sinh sản với mật độ dày đặc thì thả cá đặc sản vào nuôi, cá rô phi con sẽ trở thành nguồn thức ăn tươi sống cho cá đặc sản. Tương tự, nhiều nuôi cá lồng bè thì bà con có thể khai thác cá mồi làm thức ăn hàng ngày cho cá.

3. Thức ăn tự chế

Là thức ăn do người nuôi tự chế biến bằng cách phối trộn theo công thức đơn giản, trong đó, các thành phần chính gồm: rau xanh, cỏ, cá tạp, ốc, hến, cám gạo,… Sau đó, thức ăn được nấu chín rồi cho cá ăn trực tiếp, hoặc ép viên phơi khô cho cá ăn dần. Ưu điểm của thức ăn tự chế là có thể tận dụng các nguyên liệu có sẵn, chi phí thấp và chủ động sản xuất.
 
Mặc dù vậy, loại thức ăn này cũng có không ít nhược điểm. Dễ thấy nhất là thức ăn tự chế không có độ kết dính cao và có thể phân rã trong nước trước khi tôm cá ăn, phần thức ăn phân rã trong nước chính là nguyên nhân gây ô nhiễm nước ao. Bên cạnh đó, thành phần chính được sử dụng là cá tạp, ốc, hến,… nên có thể là vật trung gian lây truyền dịch bệnh cho động vật thủy sản trong ao nuôi. 

4. Thức ăn công nghiệp

Là thức ăn chuyên dụng được sản xuất tại các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thành phần chủ đạo được dùng trong sản xuất gồm: bột cá, bột mì, dầu nành, dầu cá, các loại vitamin, enzyme, acid amin, khoáng chất,... với tỉ lệ phối trộn thùy thuộc vào đối tượng nuôi và nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn sinh trưởng. Thức ăn công nghiệp được chia thành hai loại phổ biến là: dạng chìm và dạng nổi. Trong đó, thức ăn công nghiệp dạng chìm được dùng để nuôi tôm và một số loài cá ăn chìm, thức ăn dạng nổi chủ yếu để nuôi cá.
 
Hiện nay, sử dụng thức ăn công nghiệp rất phổ biến vì được bổ sung các vitamin và khoáng chất giúp tôm cá nuôi phát triển khỏe mạnh, cải thiện hệ tiêu hóa, tăng miễn dịch và lớn nhanh. Ngoài ra, loại thức ăn này còn được bổ sung thêm mùi vị hấp dẫn kích thích tôm cá bắt mồi.
 
Mặc dù vậy, sử dụng thức ăn công nghiệp kém chất lượng, bị nấm mốc,… là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phân trắng trên tôm. Do vậy, bà con cần lưu ý khi dùng loại thức ăn này.
 
Mỗi loại thức ăn đều có những ưu và nhược điểm riêng, do vậy, kết hợp nhiều loại thức ăn với nhau sẽ giúp phát huy tối đa ưu điểm. Chẳng hạn như trong mô hình nuôi thâm canh, hầu hết bà con thường chọn giải pháp gây màu nước ao nuôi để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu, sau đó sử dụng thức ăn công nghiệp để kích thích tôm cá phát triển. Còn trong nuôi quảng canh cải tiến, người nuôi thường chọn sử dụng thức ăn tươi sống, thức ăn tự chế và bổ sung thêm một phần thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào mức độ canh tác và đối tượng nuôi mà đưa ra lựa chọn loại thức ăn phù hợp. Chúc bà con vụ mùa bội thu!
 
Nguồn: TSVN.
 
Tìm theo từ khóa: