Nông dân 2 xã ven biển Bình Giang và Bình Sơn (H.Hòn Đất, Kiên Giang), đang mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Trước đây, người dân 2 xã Bình Giang và Bình Sơn nhận khoán đất rừng nuôi ba khía, tôm, cua, sò huyết... xen với cây mắm, đước nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thêm vào đó, những năm gần đây do hậu quả của biến đổi khí hậu, nhiều khu vực ven biển bị sóng đánh làm mất dần diện tích rừng phòng hộ, gây vỡ đê, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở 2 xã trên đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, vừa đem lại nguồn thu nhập cao vừa giúp bảo vệ diện tích rừng và đê biển.
Anh Tôn Lý Tưởng (ngụ ấp Kênh 4, xã Bình Giang) cho biết anh từng nuôi tôm, cua theo hình thức quảng canh nhưng không có lời, phải bỏ nghề đi xứ khác làm ăn. Nhiều đêm trăn trở vì có đất mà lại bỏ không, anh bàn với gia đình chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. Anh vay gần 100 triệu đồng thuê máy cuốc 13.000 m2 đất thành 2 ao, mua máy bơm, bạt che bờ... để thả nuôi tôm thẻ chân trắng.
“Vụ đầu tiên tôi sụt mấy ký vì đêm nào cũng ra canh coi tôm có bị chết con nào không. Tôi sợ nếu thất bại nữa thì lấy tiền đâu trả nợ”, anh Tưởng chia sẻ. Đất không phụ lòng người, sau 3 tháng thả nuôi, anh thu hoạch trên 3 tấn tôm, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 150 triệu đồng. Do ao nuôi nằm gần bờ biển, nếu gặp triều cường hay sóng lớn dễ làm vỡ đê. Vì vậy, mỗi năm 2 lần, anh thuê máy cuốc gia cố nâng cao nền, trồng thêm cây tràm ngoài đê, bên trong trồng mắm, đước để bảo vệ đê biển.
Thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Tưởng thu lời cao, ông Nguyễn Văn Thinh (ngụ ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn) cũng học hỏi làm theo. Ông bàn với gia đình cải tạo 3 ao cá diện tích gần 1 ha, mua con giống tôm thẻ chân trắng về thả nuôi.
“Nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt vốn đầu tư gấp 3 lần so với nuôi tôm trong ao đất, nhưng đổi lại tôm ít bị bệnh, người nuôi có thể thu hồi vốn nhanh chỉ sau 1 - 2 vụ. Mỗi vụ thả nuôi khoảng 3 tháng, sản lượng có thể đạt hơn 3 tấn/ha, với giá bán từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông lãi ngay vụ đầu trên 150 triệu đồng”, ông Thinh cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Thinh: “Nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt vốn đầu tư gấp 3 lần so với nuôi trong ao đất, nhưng đổi lại tôm ít bị bệnh, người nuôi có thể thu hồi vốn nhanh chỉ sau 1 - 2 vụ”.
Ông Lê Văn Tiễn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang, cho biết hiện trên địa bàn ven biển của xã có 133 ha quy hoạch nuôi tôm nhưng đến nay mới có 49 ha được thả nuôi. Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp mới chỉ là định hướng của xã Bình Giang vì bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ rừng, phòng chống sạt lở đê biển. Vì vậy, xã đang kiến nghị huyện cho chuyển đổi mục đích từ nuôi sò, ba khía, tôm... dưới tán rừng phòng hộ sang nuôi tôm công nghiệp. Còn xã Bình Sơn có 50 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp nhưng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm rủi ro do dịch bệnh, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh, các ngành chuyên môn H.Hòn Đất đang phối hợp UBND xã Bình Sơn, Bình Giang khảo sát và tổ chức lớp đào tạo nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, giúp các hộ dân nắm vững kỹ thuật nuôi cũng như cách phòng tránh dịch bệnh.
Theo: Anh Phương - Báo Thanh Niên.
Tìm theo từ khóa: tin tức nuôi trồng thủy sản
Thời gian gần đây, tại thủ đô Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung đang trải qua quãng thời gian nóng nhất trong năm. Nhiệt độ cao nhất đỉnh điểm lên tới hơn 40 độ C, điều này không chỉ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, mà còn gây ra nhiều hệ lụy đối với bà con nuôi trồng thủy sản trong khu vực.
Một số hộ nuôi tôm ở xã Xuân Đan, Xuân Phổ (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đang lo lắng bởi tôm nuôi mãi không lớn, tốn kém thức ăn và ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.
Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã và đang trở thành ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Song, cũng chính vì việc nuôi tôm ngày càng mở rộng đã làm tăng sự tích tụ khí độc, chất độc, chất thải hữu cơ,… trong các ao nuôi dẫn đến việc làm tăng mối nguy hại dịch bệnh bùng phát.
Rabobank ước tính, tăng trưởng thủy sản toàn cầu về lượng trong năm 2017 và 2018 khoảng 3 - 4%. Song các rủi ro như thời tiết, dịch bệnh, các chính sách thương mại… vẫn là những thách thức tiếp diễn, đặc biệt là tại châu Á - khu vực sản xuất thủy sản nuôi quan trọng nhất thế giới.