Từ lâu, bà con đã áp dụng rất nhiều mô hình
nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa khác nhau như: nuôi xen kẽ 2 vụ lúa 1 vụ tôm, nuôi luân canh 1 vụ lúa 1 vụ tôm, luân canh 2 vụ lúa 1 vụ tôm,… ngoài ra còn có
mô hình kết hợp nuôi tôm sú và tôm càng xanh lợi nhuận cao đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, hiệu quả nhất và được bà con áp dụng phổ biến nhất hiện nay vẫn là hai mô hình nuôi luân canh 1 vụ lúa 1 vụ tôm và luân canh 2 vụ lúa 1 vụ tôm.
Dưới đây là những kỹ thuật nuôi tôm càng xanh mùa lũ bà con cần lưu ý:
a. Chọn địa điểm và thiết kế ruộng nuôi
Thông thường, bà con nên chọn những khu vực có mùa ngập lũ, đất không bị nhiễm phèn, có thể chủ động được nguồn nước, quan trọng là phải gần nơi thu mua thức ăn nhất là thức ăn tươi sống.
Về phần thiết kế, diện tích ruộng nuôi thích hợp nhất là 0.1-2 ha, mặt ruộng phải bằng phẳng, bờ ruộng cao từ 1-1.2 m và mặt bờ rộng 1-2 m. Để nuôi tôm càng xanh mùa lũ, bà con nên dùng lưới chắn quanh bờ cao hơn mực nước lũ khoảng 30-40 cm và phải có khu ương tôm giống phù hợp để sau khi thu hoạch vụ lúa hè-thu sẽ tiến hành cải tạo ruộng nuôi và cho tôm lên ruộng.
Về phần ao ương tôm giống, sẽ chiếm khoảng 10% diện tích ruộng nuôi. Bà con nên lưu ý, ao ương là rất quan trọng, nhất là đối với mô hình nuôi luân canh 2 vụ lúa 1 vụ tôm vì phải tiến hành bắt tôm về ương trước khi thu hoạch lúa hè-thu để kịp lịch thời vụ.
Về phẩm ao nuôi, sau khi đã thu hoạch lúa thì cần tiến hành cắt gốc rạ, bừa trục mặt ruộng cho bằng phẳng, gia cố lại bờ ao, che lắp các hang hốc,… Tiếp đến, tiến hành ngâm ruộng khoảng 1-2 ngày rồi tháo nước ra khỏi ruộng, bước này nên được thực hiện từ 2-3 lần để rửa sạch các hóa chất bảo vệ thực vật còn tích tụ trong ruộng. Tiến hành bón vôi và
chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, sau cùng lấy nước vào ruộng và để một vài ngày trước khi tiến hành thả tôm giống.
b. Chọn giống và chăm sóc tôm giống
- Chọn tôm giống:
Cũng như các loài thủy sản khác, chọn tôm giống là một việc làm vô cùng cần thiết và quan trọng, quyết định đến cả vụ nuôi. Do vậy, bà con nên chọn mua tôm giống ở những trại nuôi uy tín và nguồn gốc rõ ràng, bên cạnh đó, bà con cũng cần lưu ý một số đặc điểm của tôm giống như:
+ Màu sắc tôm giống phải sáng trong, mọi hoạt động của tôm đều nhanh nhẹn chứng tỏ tôm khỏe;
+ Kích cỡ tôm giống phải đồng đều, không dị tật, thân tôm đầy đủ các bộ,… Nếu phát hiện thân tôm giống có màu trắng đục thì tuyệt đối không nên chọn vì rất có thể những con tôm đó đã bị bệnh đục cơ;
+ Nếu bà con nuôi tôm càng xanh theo mô hình luân canh 2 vụ lúa 1 vụ tôm thì nên mua con giống thả ương trước khi thu hoạch lúa từ 1-2 tháng;
Ngoài ra, nhiều hộ nuôi thường chỉ chọn tôm càng xanh đực nuôi để đạt năng suất cao. Khi tiến hành thả nuôi, tùy theo điều kiện khác nhau mà bà con có thể thả với mật độ từ 3-10 con/m2.
- Chăm sóc tôm giống:
Ở giai đoạn ương giống, thức ăn của tôm có thể là thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm từ 30-32%, trong suốt quá trình ương giống bà con cần chú ý đến chất lượng nước trong ao để điều chỉnh thích hợp. Sau một tháng ương, tôm có thể ăn các loại thức ăn tự chế như: cua, ốc, cá tạp,… được xay nhuyễn.
Ở giai đoạn cho tôm lên ruộng, bà con có thể cho tôm ăn thức ăn công nghiệp và liều lượng từ 4-6% trọng lượng thân tôm, sau đó giảm dần qua các tháng nuôi đến tháng cuối để có thể giảm còn 2% trọng lượng thân. Trường hợp nếu cho tôm ăn bằng thức ăn tươi sống thì lượng cho ăn có thể tăng từ 2-3 lần so với thức ăn công nghiệp.
Thông thường, vào đầu mùa lũ nước rất dơ và trong nước còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, do vậy lúc này bà con nên hạn chế thay nước ao nuôi đồng thời xử lý bùn đáy ao nuôi tôm định kỳ. Trong suốt quá trình nuôi, bà con nên thường xuyên kiểm tra chất lượng nước để phòng tránh các bệnh phổ biến như: bệnh đóng rong, ăn mòn phụ bộ, bệnh đen mang,…
Nhìn chung, có rất nhiều
kỹ thuật nuôi tôm càng xanh bà con cần tuân thủ khi nuôi và trên đây chỉ một phần trong số đó. Hy vọng, bài viết này cung cấp kiến thức hữu ích cho bà con trong vụ nuôi của mình. Chúc bà con vụ mùa bội thu!
Nguồn: EcoClean t/h.