Nuôi cá nước ngọt trong ao tù đã được áp dụng khá phổ biến từ rất lâu. Thông thường, để vụ nuôi đạt năng suất cao nhiều bà con thường chọn giải pháp nuôi ghép nhiều loài cá khác nhau. Tuy nhiên, để thành công như mong đợi bà con cần nắm rõ đặc điểm sinh học, cũng như tập tính sinh hoạt của các loài được nuôi ghép, bên cạnh đó ao nuôi cũng cần được cải tạo hợp lý.
Với mong muốn giúp bà con đạt năng suất cao, trong bài viết này ECOCLEAN xin chia sẻ đến bà con một số kỹ thuật
nuôi cá trong ao nước tù hiệu quả cao, mời bà con cùng theo dõi!
Nhiều bà con đã thành công với mô hình nuôi cá trong ao nước tù. Ảnh minh họa.
1) Kỹ thuật chọn loài cá nuôi ghép thích hợp trong ao nước tù
Lựa chọn đúng đối tượng sẽ nuôi ghép trong ao nước tù là một kỹ thuật hết sức quan trọng. Những loài cá thích hợp sẽ thích nghi với môi trường sống và phát triển tốt hơn. Thông thường, những loài cá được chọn để nuôi ghép trong ao nước tù là những loài cá có tập tính ăn khác nhau, mục đích là để chúng không cạnh tranh thức ăn của nhau ngược lại còn hỗ trợ nhau giúp môi trường nuôi cá được tốt hơn.
Trên thực tế, một số loài cá có thể nuôi ghép được nhiều bà con lựa chọn như:
- Cá trắm cỏ: Loài cá này sống ở tầng nước giữa. Sau 10 - 12 tháng nuôi cá có thể đạt trọng lượng từ 0.8 - 1.5 kg/con, trung bình mỗi con/kg.
- Cá chép: Sống chủ yếu ở tầng đáy, thức ăn chính của cá chép là các loài giun, ấu trùng muỗi, tôm lột xác. Sau 1 năm nuôi đạt trọng lượng 0.3 - 0.5 kg/con.
- Cá trắm cỏ: Sống tập trung ở tầng giữa. Sau 10 - 12 tháng nuôi cá đạt trọng lượng trung bình mỗi con/kg.
- Cá rô phi: Đây là loài cá ăn tạp thường sống ở tầng giữa và tầng đáy. Sau 1 năm cá đạt trọng lượng 0.3 - 0.5/con. Tuy nhiên, khu vực có khí hậu lạnh những ao nuôi có cá rô phi cần giữ mực nước > 1m bởi cá rô phi dễ bị chết khi nhiệt độ < 12oC.
- Cá mè vinh: Sống ở tầng giữa và tầng đáy, sau 1 năm đạt trọng lượng 0.2 - 0.5 kg/con.
2) Kỹ thuật cải tạo ao nuôi
Ao nuôi cá nước tù phải được cải tạo hợp lý trước khi thả nuôi. Bà con cần tát hoặc tháo cạn nước, dọn sạch cỏ, tu sửa lại bờ ao bị sạt lở. Bón vôi bột với liều lượng 7 - 10 kg/100m2 đáy ao để xử lý diệt mầm bệnh và cá tạp.
Khoảng 3 ngày sau khi tẩy vôi, bà con tiến hành bón lót 20 - 30kg phân chuồng và 50kg lá xanh cho 100m2. Có thể dùng trâu cày mặt ao để phân chuồng và lá xanh được trộn đều vào lớp bùn đáy.
Cấp nước vào ao đạt 0.3 - 0.4m và ngâm ao từ 5 - 7 ngày, vớt hết xác bã phân xanh và tiếp tục cấp nước vào ao đến khi độ sâu đạt 1m. Nước cấp vào ao phải được lọc qua lưới lọc để phòng cá dữ, cá tạp xâm nhập.
3) Kỹ thuật thả cá giống và quản lý thức ăn
Thông thường, nuôi cá trong ao tù có 2 vụ thả cá giống: vụ xuân và vụ thu. Để hạn chế hao hụt, bà con nên thả cá giống đạt kích thước khoảng: 10 - 20cm (cá mè), 12 - 15cm (cá trắm cỏ), 7 - 10cm (cá chép, cá rô phi). Bên cạnh đó, tỉ lệ thả ghép cũng rất quan trọng, vì thế bà con có thể tham khảo một số tỉ lệ như sau:
a) Đối với ao nuôi cá mè làm chủ đạo
Tổng số cá thả từ 12.000 - 14.000 con/ha thì bà con thả ghép với tỉ lệ: 60% cá mè trắng, 5% cá mè hoa, 3% trắm cỏ, 25% cá trôi và 7% cá chép.
Thức ăn chủ yếu là: phân chuồng, phân xanh, phân đạm. Mỗi tháng, bón phân chuồng 4 lần rải đều khắp ao, bón phân xanh 6 lần, phân đạm bón theo tỷ lệ 1 đạm : 1 lân hoặc 1.5 đạm : 1 lân.
b) Đối với ao nuôi cá trắm cỏ làm chủ đạo
Tổng số cá thả 7.000 - 8.000 con/ha thì tỉ lệ thả ghép như sau: 50% cá trắm cỏ, 20% cá mè trắng, 2% cá mè hoa, 8% cá trôi, 4% cá chép, 6% cá rô phi.
Thức ăn chủ yếu trong ao là bèo tấm, bèo dâu, rong cỏ, rau muống, rau nấp, cây ngô ngon,… Ngoài ra, bà con có thể bổ sung thêm các phụ phẩm nông nghiệp như: cám, bã, khô dầu, khoai lang,… Khối lượng thức ăn chiếm khoảng 10 - 25% trọng lượng cá nuôi, có thể tăng giảm tùy theo điều kiện thời tiết.
c) Ao nuôi cá rô phi làm chủ đạo
Thả 4.000 con/ha, tỉ lệ nuôi ghép: 45% cá rô phi, 20% cá mè trắng, 5% cá mè hoa, 20% cá trôi, 4% cá trắm cỏ và 6% cá chép.
Trong một số trường hợp đặc biệt, người ta có thể nuôi ghép một số loài cá lóc (cá quả), cá chuối vào ao nuôi cá rô phi vì các loài này sẽ ăn trứng cá rô phi giúp kìm hãm khả năng phát triển dày đặc của cá rô phi. Bên cạnh đó, giá trị kinh tế của cá quả cũng cao hơn.
4) Kỹ thuật quản lý ao nuôi cá nước tù
- Luôn đảm bảo mực nước trong ao nuôi ổn định theo yêu cầu, thường xuyên kiểm tra bờ ao, cống rãnh để khắc phục thiệt hại kịp thời. Vào mùa mưa bão, cần chuẩn bị đăng mành, cọc để phòng cá bơi ra khỏi ao nuôi.
- Thường xuyên theo dõi màu nước để điều chỉnh lượng phân bón và thức ăn hợp lý. Có thể bổ sung thêm các Vitamin và
chế phẩm sinh học để cá nuôi tăng sức đề kháng, phòng trừ dịch bệnh.
- Vào những mùa nắng nóng, cá thường bị nổi đầu do thiếu oxy, vì vậy cần quan sát xem thời gian cá nổi đầu có kéo dài không. Nếu có, hãy tạm ngưng cho ăn và cấp thêm nước vào ao.
- Nếu thấy cá chết rải rác hoặc có dấu hiệu dịch bệnh, hãy liên hệ ngay cán bộ khuyến ngư để tìm hướng xử lý kịp thời.
5) Kỹ thuật thu hoạch cá
Sau 5 - 6 tháng nuôi bà con có thể thu tỉa cá lớn để bán, riêng cá rô phi chỉ cần sau 4 tháng là có thể thu tỉa cá thịt.
Nguồn: EcoClean t/h.
Cá kèo là loài thủy sản rất dễ nuôi và có khả năng chịu mặn tốt. Nhờ đó, nhiều bà con đã áp dụng thành công kỹ thuật nuôi cá kèo trong ao nuôi tôm sú và gặt hái được nhiều thành công.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, chiết xuất từ Cỏ sữa lá lớn có thể giúp tăng tỉ lệ sống cho cá khi mắc bệnh xuất huyết. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong quản lý dịch bệnh trên cá da trơn.
Nước ao nuôi cá có màu xanh chủ yếu là do sự phát triển của tảo. Sau đây là cách nhận biết màu nước tốt / xấu và cách xử lý nước hồ nuôi cá bị xanh hiệu quả.
Gan thận mủ là một trong những dịch bệnh nguy hiểm gây chết cá với số lượng lớn, đang đe dọa sự phát triển của nghề nuôi cá da trơn. Sau đây, visinhthuysan.vn xin chia sẻ đến bà con cách phòng và điều trị dịch bệnh nguy hiểm này.