“Chào các chuyên gia, gia đình tôi nuôi cá trắm cỏ nhưng gần đây tôi quan sát thấy cá có dấu hiệu bị tróc vây đỏ (bị cả 2 bên vây), xuất huyết dưới da, cá bơi lờ đờ trên mặt nước. Tôi đã phát hiện được 3 ngày nhưng chưa biết nên sử dụng thuốc gì và phải điều trị như thế nào. Tôi xin nói thêm là ao của tôi rộng 100m2 tương đôi chứa được 100m3. Mong được giúp đỡ!”, câu hỏi được anh Hải (Lào Cai) gửi về.
Ý kiến từ chuyên gia
Bạn đọc thân mến,
Cá trắm cỏ là loài cá nước ngọt được nuôi rộng rãi trên địa bàn cả nước nhờ khả năng thích ứng rộng với điều kiện môi trường. Nhiệt độ môi trường phù hợp để cá trắm cỏ phát triển tốt là khoảng 22-28oC, pH từ 5-6, lượng oxy hòa tan từ 3mg/lít nước trở lên. Chúng sống chủ yếu ở tầng nước giữa và đáy, nơi gần bờ có nhiều cỏ nước. Thức ăn chủ yếu của cá trắm cỏ là các loài thực vật như: cỏ nước, cỏ thân mềm, rong đuôi chó, rong tôm, bèo tấm,… Ngoài ra, trong quá trình nuôi người nuôi còn cho cá trắm ăn các loại thức ăn như: cám gạo, bột ngô, bột sắn,…
Quay trở lại vấn đề, theo mô tả của anh Hải thì ao của anh chứa được 100m3 nước, như vậy là ao hơi nhỏ dẫn đến cá trắm phát triển kém. Với những dấu hiệu quan sát được trên cá trắm như: đen đầu, tróc vẩy, đỏ thân,… thì đó là những dấu hiệu của
bệnh đốm đỏ lở loét xuất huyết - một bệnh nguy hiểm xuất hiện phổ biến trên cá trắm cỏ.
Nguyên nhân gây bệnh đốm đỏ lở loét xuất huyết trên cá trắm cỏ và cách phòng trị bệnh
Thông thường, có 2 nguyên nhân chính gây bệnh cho cá trắm cỏ:
- Một là, do vi khuẩn. Phần lớn trường hợp có trắm cỏ bị xuất huyết do vi khuẩn gây ra có thể chữa trị được;
- Hai là, do vi rút. Cá trắm cỏ bị xuất huyết do vi rút không thể chữa trị hiệu quả nên chỉ có thể phòng bệnh mà thôi;
Vậy, trong trường hợp này để tìm ra cách xử lý hiệu quả anh cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Bằng cách bắt một con cá đang nhiễm bệnh lâm sàng, bóc lớp da cá ra nếu thấy lớp da bị xuất huyết và bầm tím lại thì đó là cá bị bệnh do vi rút, ngược lại nếu bóc lớp da cá không thấy bị xuất huyết thì đó là biểu hiện của bệnh do vi khuẩn.
Cách chữa trị cá trắm bị xuất huyết do vi khuẩn gây ra
Trong phòng bệnh cũng như chữa bệnh cho cá trắm cỏ, điều cần làm trước tiên là khử trùng nước. Để khử trùng, anh có thể dùng các loại hóa chất như: thuốc tím, BKC, TCCA,… với liều lượng của nhà sản xuất và tạt đều lên mặt ao;
Sau khi khử trùng nước, cần tiến hành bổ sung nước sạch vào ao cá. Nước cấp vào ao nuôi phải là nước sạch và đã được xử lý trước đó, không dùng lại nước từ các ao lân cận hoặc nước lấy từ kênh rạch. Bổ sung thêm
chế phẩm vi sinh để phân hủy mùn bã hữu cơ, xử lý xác tảo và phân hủy khí độc ở đáy ao;
Tạm ngưng cho cá trắm cỏ ăn trong vài ngày. Thái nhỏ lá su su, lá bí hoặc cỏ non cho vào chậu rồi cho thuốc tiên đắc vào, trộn đều rồi vớt ra phơi khoảng 30 phút cho khô. Sau đó cho cá ăn vào buổi tối. Trong trường hợp không mua được thuốc tiên đắc thì anh có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh với các hoạt chất như: Florphenicol, Rifamycin,… Lưu ý: khi sử dụng các loại thuốc đều phải cho cá ăn từ 5-7 ngày;
Cách phòng bệnh xuất huyết cho cá trắm cỏ
Để phòng bệnh, anh có thể dùng tỏi tươi giã nhỏ với liều lượng 500g/100kg cá trộn vào thức ăn và cho cá ăn liên tục trong 5 ngày. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm Vitamin C để cá trắm tăng sức đề kháng, bệnh tật sẽ giảm đi.
Dùng nước vôi trong hòa tan với liều lượng 3kg/100m3 nước tạt đều khắp ao để khử trùng ao. Có thể bón thêm các chế phẩm sinh học để phân hủy chất hữu cơ và xử lý khí độc trong ao nuôi cá trắm.
Lời kết
Trên đây là nguyên nhân và cách khắc phục cá trắm cỏ nuôi bị nhiễm bệnh xuất huyết. Hiện nay, dịch bệnh xuất huyết trên cá trắm cỏ đang xuất hiện ngày càng nhiều, do vậy nếu ao nuôi gặp tình trạng tương tự cần xử lý kịp thời. Chúc bà con vụ mùa bội thu!
Nguồn: EcoClean t/h.
[Video] KỸ THUẬT NUÔI CÁ TRẮM CỎ
Màu nước “tuyệt vời nhất” để nuôi cá là màu xanh đọt chuối. Song, trên thực tế, màu nước ao nuôi cá có thể biến đổi trong suốt vụ nuôi, vì thế người nuôi cần nắm vững kiến thức để có thể phát hiện kịp thời sự bất thường, từ đó đưa ra hướng xử lý kịp thời.
Dịch bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của nhiều bà con nuôi cá bống bớp. Hy vọng, cách phòng trị những bệnh thường gặp trên cá bống bớp sau đây sẽ giúp ích cho bà con trong vụ nuôi.
Mùa mưa lũ là thời điểm cá thường bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh ngoài da do ký sinh trùng. Vậy, cần làm gì để phòng bệnh cho cá trong mùa mưa lũ?
Trong thời gian gần đây, những cơn mưa lớn kéo dài đang cho thấy thời tiết đang chuyển dần sang mùa mưa, đây là thời điểm rất lý tưởng để các dịch bệnh phổ biến như: đốm đỏ, xuất huyết, trùng mỏ neo,… bùng phát trên cá.